GIÀ HÓA DÂN SỐ VÀ MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CHĂM SÓC DÀI HẠN TỪ KHẢO SÁT QUỐC GIA CHO NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo tính toán từ Tổng Điều tra dân số và nhà ở và dự báo dân số 2019-2069 của Tổng Cục thống kê, tỷ lệ dân số cao tuổi ở Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 11,86% năm 2019 lên 24,88% vào năm 2049.

Kể từ năm 2021, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến người dân trên toàn cầu, trong đó có người cao tuổi về mọi mặt trong đời sống - kinh tế, sức khỏe, chăm sóc sức khỏe và kết nối xã hội. Việc tìm hiểu tác động của đại dịch COVID-19 tới NCT là hết sức cần thiết để cung cấp thông tin cũng như làm đầu vào chính sách cho NCT.

Năm 2022, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã tài trợ để Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học tiến hành một khảo sát cấp quốc gia nhằm đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với Người cao tuổi. Một phần kết quả của nghiên cứu liên quan đến khía cạnh chăm sóc dài hạn cho NCT đã được Giáo sư Giang Thanh Long trình bày trong khuôn khổ hội thảo “Khởi động dự án TA9229 của Ngân hàng phát triển Châu Á và báo cáo kết quả nghiên cứu về nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam” được tổ chức bởi Vụ Bảo hiểm - Bộ Y tế, Ngân hàng phát triển Châu Á, Quĩ Nhận Bản vì Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng và thích ứng, tổ chức từ Nhân dân Nhật Bản vào ngày 17/8/2023 tại Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 12% NCT tự đánh giá có sức khỏe tốt/rất tốt trong khi có đến 41% tự đánh giá sức khỏe kém/rất kém. Tỷ lệ đánh giá sức khỏe kém/rất kém tăng lên theo nhóm tuổi. Ba bệnh hàng đầu của NCT được chẩn đoán là huyết áp, viêm khớp và thoái hóa khớp. Có khoảng 48% NCT cho rằng sức khỏe của họ kém đi so với giai đoạn trước đại dịch.

Gần 45% NCT có ít nhất một khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADL) và 35% có ít nhất một khó khăn trong hoạt động hàng ngày thay thế (IADL). Tỷ lệ NCT có khó khăn (1 hoặc từ 2 trở lên) ADL hoặc IADL trong giai đoạn COVID cao hơn so với trước COVID . Khi có khó khăn về sinh hoạt hàng ngày, thành viên gia đình (vợ/chồng; con trai, con gái) là những người chăm sóc chính cho NCT. Phụ nữ cao tuổi có tỷ lệ chăm sóc chồng cao hơn rất nhiều sơ với nam giới cao tuổi chăm vợ.

Kết quả nghiên cứu đã thu hút được sự quan tâm và nhận được nhiều câu hỏi, chia sẻ của các đại biểu tham dự hội thảo. Giáo sư Long chia sẻ, các hoạt động chăm sóc dài hạn cho NCT ở Việt Nam phần lớn được thực hiện tại nhà và do người trong gia đình thực hiện và càng thể hiện rõ hơn trong giai đoạn COVID-19. Do vậy, việc cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc cho NCT tại nhà là cần thiết, trong đó người trong gia đình (ví dụ như vợ/chồng, con/cháu..) tham gia là chủ yếu và cần ưu tiên đào tạo về kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho người trong gia đình. Và sự ưu tiên chăm sóc dài hạn cần dành cho nhóm đại lão, đặc biệt là phụ nữ.

Viết bình luận