Nghiên cứu "Khả năng đáp ứng của chính sách bảo hiểm y tế với vấn đề già hóa tại Việt Nam"

Khái quát

Theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95% và tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Để đạt được kết quả như vậy, Bộ Y tế (BYT) hiện đang trong quá trình xem xét và sửa đổi Luật BHYT và Luật sửa đổi này dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2020. Nhiều vấn đề sẽ được xem xét trong việc phát huy vai trò của BHYT như một công cụ để tăng khả năng tiếp cận và bảo vệ tài chính cho mọi công dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm cả người cao tuổi.

Cùng với sự già hóa dân số nhanh chóng như dự kiến của GSO (2016), việc tăng gánh nặng bệnh tật, giảm sự chăm sóc truyền thống và thu nhập thấp là những yếu tố chính ảnh hưởng đến nhu cầu chăm sóc dài hạn (CSDH) đối với người cao tuổi Việt Nam, đặc biệt là chăm sóc dựa vào cộng đồng (BYT và Nhóm Đối tác Y tế, 2016). Tuy nhiên, đến nay, các chính sách của chính phủ liên quan đến già hóa không cung cấp đầy đủ hướng dẫn quy định và danh sách cụ thể về phạm vi dịch vụ CSDH để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.

Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu thảo luận về những vấn đề quan trọng này đối với Việt Nam, và điểm yếu chính của những nghiên cứu này là sử dụng dữ liệu quốc gia không được cập nhật hoặc dữ liệu không đại diện quốc gia về người người cao tuổi, do đó không thể bao quát hết các vấn đề cho các chính sách thích ứng liên quan đến già hóa.

Hiện tại, chính phủ đang khuyến khích đổi mới và huy động xã hội để tạo ra các mô hình CSDH khác nhau cho người cao tuổi, bao gồm mô hình chăm sóc tập trung và mô hình hỗ trợ các gia đình chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng. Luật BHYT hiện tại không đưa ra các chính sách thích ứng đối với già hóa, đặc biệt là nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của người già (như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người già, chẩn đoán sớm các bệnh không lây nhiễm và dịch vụ CSDH). Để thực hiện điều này, Bộ Y tế đang trong quá trình phát triển chiến lược CSDH cho người cao tuổi trong mười năm tới.

Đáp lại đề nghị của Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Y tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt một chính sách và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật (TA9221-VIE) để tăng cường Chính sách và Khung thể chế của Bảo hiểm Y tế (BHYT). Dự án nhằm mục đích hỗ trợ chính phủ tăng cường thực hiện bao phủ BHYT toàn diện, đặc biệt là với những người nghèo và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Các kết quả đầu ra của dự án là: (i)cơ sở cho các lập pháp, biện pháp ưu tiên và chứng thực để các các cơ quan thích hợp quyết định. (ii) mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi được thiết kế và thử nghiệm, và (iii) cải thiện năng lực và kiến thức của nhân viên và các bên liên quan về BHYT.

Nghiên cứu được triển khai bởi các nghiên cứu viên cao cấp của Viện bao gồm TS. Nguyễn Trương Nam và PGS. TS Giang Thanh Long cùng với sự hỗ trợ của các nghiên cứu viên và trợ lý nghiên cứu của Viện nghiên cứu Y – Xã hội học.

Mục tiêu
Mục tiêu chung của nghiên cứu là thu thập dữ liệu đại diện toàn quốc về tình trạng già hóa và sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam (từ 50 tuổi trở lên).
Các mục tiêu cụ thể của nghiên cứu là:

  1. Điều tra các vấn đề sức khỏe của người cao tuổi và phân tích khoảng cách giữa nhu cầu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi với kết quả từ một cuộc khảo sát toàn quốc mới về người cao tuổi;
  2. Khám phá vai trò của BHYT trong việc cải thiện khả năng tiếp cận và bảo vệ tài chính cho người cao tuổi trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
  3. Cung cấp các khuyến nghị cho các chính sách thích ứng về chăm sóc sức khỏe và BHYT trong những thập kỷ tới khi Việt Nam sẽ phải đối mặt với già hóa dân số một cách nhanh chóng.

Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang với phương pháp lấy mẫu nhiều giai đoạn phân bổ tương ứng với kích thước dân số nhóm tuổi 50+ sáu (06) khu vực địa lý của Việt Nam, bao gồm cả khu vực thành thị và nông thôn. Các giai đoạn chọn mẫu bao gồm:  1) chọn 12 tỉnh/thành phố bằng cách sử dụng phương pháp PPS (tỷ lệ dân số theo kích thước), 2) chọn 3 huyện trên mỗi tỉnh bằng cách sử dụng PPS, 3) chọn 4 xã mỗi huyện sử dụng PPS, 4) chọn 3 thôn (cụm) cho mỗi xã sử dụng lấy mẫu ngẫu nhiên có hệ thống và 5) chọn 10 người cao tuổi mỗi thôn (cụm) bằng cách sử dụng lấy mẫu ngẫu nhiên có hệ thống.

Cỡ mẫu nghiên cứu là 4320 người từ 50 tuổi trở lên.

Địa bàn và thời gian triển khai

Nghiên cứu triển khai tại 12 tỉnh/thành phố bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cà Mau năm 2019.