Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sức khỏe sinh sản tại Lạng Sơn, Hòa Bình và Hưng Yên
Trong khuôn khổ “Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu thực trạng bao phủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tại 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam” diễn ra vào sáng 28/2, tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã thông báo về mức độ bao phủ dân số của một số dịch vụ chăm sóc SKSS tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên, Hòa Bình hiện nay tương đối rộng.
Nghiên cứu về “Thực trạng bao phủ chăm sóc SKSS tại 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam’ nói trên được thực hiện với sự phối hợp giữa Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Viện Nghiên cứu Y xã hội học (ISMS) và Trung tâm nghiên cứu hệ thống y tế - Đại học Y Hà Nội (CHSR).
Như chia sẻ của PGS.TS Hoàng Văn Minh, đại diện nhóm nghiên cứu, việc khảo sát, nghiên cứu thực trạng bao phủ chăm sóc SKSS được tiến hành trong hơn 2 tháng, với 2000 đối tượng là phụ nữ có con dưới 1 tuổi và 1005 nam giới là chồng của những đối tượng phụ nữ được chọn lựa nghiên cứu tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên và Hòa Bình. Tại 3 tỉnh này, nhóm nghiên cứu lựa chọn ngẫu nhiên một khu vực thành thị và một khu vực nông thôn nghèo đặc trưng để tiến hành khảo sát.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ bao phủ dân số của một số dịch vụ chăm sóc SKSS tại 3 tỉnh hiện nay tương đối rộng, hầu hết đều có các chính sách tăng cường việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS với chiến lược quốc gia của Việt Nam về dân số và chăm sóc SKSS giai đoạn 2011-2020, Luật Bảo hiểm y tế. Theo thống kê sơ bộ, tại 3 tỉnh này, 74,5% phụ nữ và 50,2% nam giới có bảo hiểm y tế
Bên cạnh đó nghiên cứu cũng chỉ ra, người dân tại 3 tỉnh chưa thực sự nhận được dịch vụ CSSK một cách sâu sát. Tỷ trọng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dành cho các dịch vụ chăm sóc SKSS còn thấp. Nhiều dịch vụ chăm sóc SKSS thiết yếu (chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp Căng–gu-ru, chẩn đoán bệnh lây qua đường tình dục …) còn chưa sẵn có ở tuyến y tế cơ sở. Thêm nữa, người dân 3 địa phương này cũng vẫn còn gặp rủi ro tài chính khi sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, có tới 13,6% hộ gia đình sẽ bị rơi vào bẫy nghèo nếu chi phí thêm cho dịch vụ chăm sóc SKSS. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho kết quả: tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí chăm sóc SKSS ở mức độ cao; Tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa cao hơn ở nhóm nông thôn, người dân tộc và người cận nghèo/nghèo và người không có bảo hiểm y tế. Thêm nữa, các số liệu nghiên cứu từ thực tiễn 3 tỉnh cũng chỉ ra mối liên quan giữa mức độ rủi ro tài chính do chi phí chăm sóc SKSS ở phụ nữ với điều kiện kinh tế và đặc điểm dân tộc; bảo hiểm y tế có tác dụng bảo vệ tài chính tốt đối với chăm sóc SKSS.
Theo Việt Hà (CCIHP)