Đánh giá tác động chính sách y tế công cộng trong đại dịch Covid-19 đến các nhóm dân cư dễ tổn thương sống gần khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Thông tin chung
Khi xảy ra đại dịch Covid-19, chính phủ Việt Nam và các nước láng giềng đã triển khai các biện pháp để phòng sự lây lan của virus, bao gồm đóng cửa biên giới Việt nam và Trung Quốc. Điều này có thể gây ra những tác động lớn đến kinh tế xã hội của cả hai phía biên giới. Làm ăn xuyên biên giới, là nguồn thu nhập chính của nhiều cộng đồng dân cư ở khu vực biên giới, nay không còn nữa. Cộng đồng dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở gần khu vực biên giới phía Bắc phải hứng chịu tác động đáng kể về kinh tế do đại dịch gây ra. Hơn nữa, tác động về sức khỏe của đại dịch gây ra nhiều thách thức cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế.
Nghiên cứu trọng tâm về tác động kinh tế xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo là rất quan trọng trong bối cảnh của Việt Nam. Được sự ủy quyền của UNDP, từ tháng Năm tới tháng Bảy 2020, Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) đã tiến hành một đánh giá tác động sức khỏe cộng đồng ở khu vực biên giới trọng tâm vào nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình nghèo, những người phụ thuộc nhiều vào làm ăn qua biên giới. Đánh giá sẽ cung cấp bằng chứng để hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam trong việc giảm nhẹ các tác động có thể của đại dịch gây ra đối với việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trong và sau đại dịch.
Mục tiêu đánh giá
Đánh giá nhằm xác định bản chất, phạm vi và mức độ tác động của đại dịch đến sức khỏe cộng đồng mà có thể dự đoán hoặc quan sát được, từ đó giúp hỗ trợ tốt hơn cho Chính phủ Việt Nam trong việc hiểu rõ hơn tác động sức khỏe cộng đồng của đại dịch Covid-19 đối với nhóm dễ tổn thương bao gồm: nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, người già, trẻ em, và phụ nữ sống ở khu vực biên giới Việt Nam và Trung Quốc thông qua:
- Tìm hiểu các hoạt động sinh kế;
- Đánh giá các hoạt động truyền thông ở khu vực biên giới và tìm hiểu thực trạng tiếp cận với thông tin về Covid-19 trong nhóm dễ tổn thương;
- Xem xét tất cả các kênh truyền thông và tìm hiểu về cách các kênh truyền thông tiếp cận và tác động đến nhận thức, thái độ và thực hành của nhóm dễ tổn thương và những yếu tố thuận lợi cũng như rào cản trong việc tiếp cận;
- Đánh giá các dịch vụ phòng, chống Covid-19 được cung cấp ở khu vực biên giới của cả cơ sở y tế và các dịch vụ lưu động; các yếu tố thuận lợi và rào cản; và
- Đánh giá cách các dịch vụ tiếp cận với nhóm dễ tổn thương, các yếu tố thuận lợi và rào cản.
Phương pháp
Để triển khai đánh giá này, chúng tôi sử dụng phương pháp tiếp cận kết hợp trong đó sử dụng nghiên cứu định tính để tìm hiểu tính chất tác động của đại dịch đối với nhóm dễ tổn thương, cùng với xem xét các thông tin định lượng thứ cấp về phản ứng phòng và điều trị của các cơ sở y tế và việc triển khai các đáp ứng này bởi chính quyền địa phương tại Việt Nam. Các hướng dẫn phỏng vấn cho thu thập thông tin định tính gồm phỏng vấn hộ gia đình, thảo luận nhóm (TLN) và phỏng vấn sâu (PVS).
Địa điểm khảo sát và thời gian
Khảo sát được triển khai tại 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020
Nguồn tài trợ
Nghiên cứu được tài trợ bởi UNDP Việt Nam
Thảo luận nhóm hộ gia đình
Thảo luận nhóm cán bộ tuyến huyện tham gia công tác phòng chống dịch