Điều tra ban đầu nhu cầu chưa được đáp ứng về làm mẹ an toàn và tránh thai trong phân tích chi phí hiệu quả mô hình can thiệp tại tỉnh Quảng Bình

Tổng quan nghiên cứu

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, tiếp giáp với tỉnh Quảng Trị ở phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh ở phía bắc, và tỉnh Khăm Muộn (Lào) ở phía tây, và hướng ra Biển Đông ở phía đông. Quảng Bình là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, với 21% hộ gia đình sống dưới chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ năm 2011. Với tổng diện tích 8.065 km2, hệ thống hành chính của tỉnh bao gồm 6 huyện và 1 thành phố, 159 xã/thị trấn. Trong đó có 28 xã nằm trong khu vực vùng cao, 36 xã ở miền núi. Hai huyện (Minh Hóa và Tuyên Hóa) là hai xã khu vực miền núi. Bốn huyện (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch) có đồng bằng, miền núi và ven biển với tổng diện tích 6,649 km2. Tại các huyện này, khí hậu rất khắc nhiệt, đường xá đi lại khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo cao. Điều đó đã hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).

Quảng Bình đang đối mặt với một số thách thức trong các lĩnh vực SKSS/KHHGĐ. Thứ nhất, khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ của một số nhóm đối tượng đặc biệt như vị thành niên, thanh niên, nam giới, người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, tỷ lệ nhu cầu chưa được đáp ứng về thông tin và các dịch vụ SKSS/KHHGĐ vẫn còn cao trong tỉnh. Tổng tỷ suất sinh ở Quảng Bình là 2,37, cao hơn mức trung bình quốc gia (theo Điều tra dân số năm 2009). Trong năm 2011, chỉ có 79,1% phụ nữ mang thai được theo dõi thường xuyên trong thai kỳ (Báo cáo của Bộ Y tế năm 2011). Số lượng tai biến sản khoa tăng từ 12 ca vào năm 2010 lên 88 ca vào năm 2011. Tỷ lệ sinh con tại nhà còn cao, vẫn còn phổ biến tình trạng chậm đưa bà mẹ đến cơ sở y tế đặc biệt ở khu vực miền núi xa xôi. Mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ở vị thành niên, thanh thiếu niên vẫn đang là mối quan tâm lớn. Thứ hai, năng lực của hệ thống y tế tỉnh trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, bao gồm cả cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS / KHHGĐ hiện đang phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt tại những khu vực tiếp cận:

  • Chất lượng dịch vụ SKSS/KHHGĐ còn thấp, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
  • Năng lực lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các chương trình SKSS/KHHGĐ còn hạn chế.
  • Nguồn nhân lực y tế, bao gồm cả lĩnh vực SKSS/KHHGĐ còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt trong cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh ở các huyện, xã miền núi.
  •  Hệ thống quản lý thông tin y tế tỉnh, bao gồm thu thập số liệu, phân tích, sử dụng số liệu trong lập kế hoạch, giám sát và đánh giá chương trình y tế, đặc biệt trong lĩnh vực SKSS/KHHGĐ không đáp ứng nhu cầu.

 

Nhằm góp phần cải thiện khả năng tiếp cận toàn diện tới dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ/SKTD cho người dân đặc biệt là phụ nữ tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, Quỹ Dân số liên hợp quốc (UNFPA) đã triển khai dự án hợp tác với tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2012-2016. Trong khuôn khổ dự án này, UNFPA sẽ thí điểm một chương trình can thiệp tăng cường hệ thống y tế ở Quảng Bình để cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ SKSS/KHHGĐ, tiến tới giảm nhu cầu chưa được đáp ứng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và KHHGĐ tại địa bàn tỉnh. Can thiệp này sẽ tập trung vào tăng cường hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh, ưu tiên vào việc cải thiện một số lĩnh vực như quản lý điều hành, hệ thống quản lý thông tin y tế và nguồn nhân lực trong lĩnh vực SKSS/KHHGĐ.

Can thiệp sẽ được triển khai trên địa bàn 3 huyện trong thời gian 2013-2014, 3 huyện còn lại của tỉnh sẽ được chọn làm nhóm chứng để đánh giá hiệu quả của can thiệp.Hai cuộc điều tra ban đầu và cuối kỳ sẽ được tiến hành vào thời điểm trước và sau hai năm can thiệp để có dữ liệu nhằm so sánh sự thay đổi về các chỉ số được sử dụng trong đánh giá nhu cầu chưa được đáp ứng về làm mẹ an toàn (LMAT) và KHHGĐ. Phân tích chi phí-hiệu quả (CEA) sẽ được thực hiện, sử dụng các số liệu trong cuộc điều tra ban đầu, cuối kỳ và các dữ liệu giám sát. Các kết quả và khuyến nghị từ phân tích CEA này dự kiến sẽ cung cấp bằng chứng vững chắc cho việc hoạch định chính sách y tế, tiến tới giảm nhu cầu chưa được đáp ứng cho về LMAT và KHHGĐ ở cấp quốc gia và địa phương. Điều tra ban đầu này được tiến hành nhằm cung cấp những số liệu ban đầu giúp xác định các chiến lược can thiệp phù hợp và làm cơ sở đánh giá chi phí - hiệu quả của chương trình can thiệp

 

 Mục tiêu nghiên cứu

  •  Xác định nhu cầu chưa được đáp ứng về BPTT trong nhómthanh niên (cả nam và nữ) tuổi 15-24 ở tỉnh Quảng Bình.
  • Xác định nhu cầu chưa được đáp ứng về LMAT (bao gồm cả chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh) trong nhóm phụ nữ sinh con trong hai năm trở lại đây tại tỉnh Quảng Bình.
  • Xác định một số yếu tố liên quan tới nhu cầu về BPTT và LMAT chưa được đáp ứng tại tỉnh Quảng Bình.

 

Địa bàn nghiên cứu

Nghiên cứu sẽ được thực hiện tại 6 huyện của tỉnh Quảng Bình gồm: Lệ Thủy,Bố Trạch, Tuyên Hóa, MinhHóa, QuảngTrạch,Quảng Ninh.
 

Thời gian nghiên cứu

Từ ngày 3/11/2013 đến ngày 17/11/2013.
 

Đơn vị taì trợ

Quỹ Dân số liên hợp quốc (UNFPA)