Điều tra ban đầu về Người cao tuổi ở hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre 2012-2013

Khái quát

Nhiều nghiên cứu về biến đổi nhân khẩu học đã chỉ ra rằng dân số cao tuổi trên khắp thế giới đang gia tăng nhanh và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Dự báo thay đổi dân số của Liên hợp quốc năm 2010 cho thấy số lượng người cao tuổi – NCT (là những người từ 60 tuổi trở lên) sẽ tăng từ 760 triệu trong năm 2010 lên khoảng 2 tỷ người vào năm 2050, tương ứng tăng từ 11% đến 22% tổng dân số thế giới. Ở các nước đang phát triển nơi mà thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp thì dân số già đang đặt ra nhiều thách thức chính sách cho chính phủ trong việc chăm sóc NCT khi mà hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế về độ bao phủ cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và di dân. Một số quốc gia đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, đó là  già hóa dân số nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế còn phát triển thấp.

Ở Việt Nam, hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre là những tỉnh tương ứng có chỉ số già hóa cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ lệ NCT trong tổng dân số ở Hải Dương là 12%, trong khi ở Bến Tre là 10,9%. Chỉ số già hóa ở Hải Dương và Bến Tre tương ứng là 54 và 48. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2011, tỷ lệ NCT trong tổng dân số ở Hải Dương và Bến Tre sẽ tăng lên tương ứng là 14,6% và 14,5% vào năm 2019 và 20,2% và 21,9% vào năm 2029. 

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hỗ trợ chính phủ Việt Nam giai đoạn 2012-2016, Văn phòng đại diện của UNFPA tại Việt Nam sẽ hỗ trợ hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre trong việc thử nghiệm và phát triển các mô hình chăm sóc và phát huy vai trò của NCT cũng như tiến hành phân tích chi phí-hiệu quả (CEA) các mô hình đó để cung cấp bằng chứng cho việc lựa chọn chính sách và các đề xuất để nhân rộng mô hình trên toàn quốc.  

Mục tiêu nghiên cứu 
Mục đích của cuộc khảo sát này là để xem xét và đánh giá:

  • Tình hình kinh tế xã hội và sức khỏe của NCT ở thời điểm hiện tại;
  • Hiểu biết, thái độ / nhận thức, hành vi và thực tiễn liên quan đến NCT và chăm sóc cho NCT từ chính quyền địa phương, cộng đồng và các thành viên trong gia đình của NCT;
  • Thực hiện các chính sách liên quan đến NCT ở các cấp độ khác nhau;
  • Các biện pháp can thiệp/ chương trình và các chi phí liên quan để thực hiện các biện pháp can thiệp / chương trình tại địa điểm nghiên cứu. 

Thiết kế nghiên cứu và đối tượng tham gia

Nghiên cứu này sẽ bao gồm hai thành phần chính: (i) rà soát, và (ii) khảo sát thực địa, trong đó bao gồm các thành phần định lượng và định tính.

Đối tượng tham gia bao gồm những NCT, thành viên trong gia đình của NCT, chính quyền địa phương, và các nhà cung cấp dịch vụ y tế tại 6 xã can thiệp trong 2 huyện và 4 xã đối chứng trong 2 huyện ở hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre.

Tài trợ
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Tình trạng
Đang thực hiện (dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2013).