Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản & sức khỏe tình dục của thanh thiếu niên Việt Nam độ tuổi 10-24
Khái quát
Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử phát triển nhân khẩu học đất nước. Kết quả của Điều tra Biến động Dân số năm 2015 cho thấy tổng số thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 là 20,7 triệu, chiếm 22,68% tổng dân số cả nước. Không những số lượng thanh niên nhiều, mà còn có sự thay đổi nhanh chóng về các chuẩn mực và hành vi tình dục của thanh thiếu niên Việt Nam trong những năm qua. Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam Vòng 1 (SAVY 1) năm 2003 và Vòng 2 (SAVY II) năm 2009 cho thấy độ tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu đã giảm từ 19,6 tuổi vào năm 2003 xuống 18,2 tuổi vào năm 2009 và điều đó cho thấy giới trẻ có xu hướng quan hệ tình dục ở độ tuổi sớm hơn.
Ở Việt Nam, một số thông tin hạn chế về về sức khoẻ tình dục và sinh sản của thanh thiếu niên có thể lấy từ một số cuộc điều tra như SAVY, Điều tra Nhân khẩu học và Sức khoẻ (DHS) và Điều tra Đánh giá các Chỉ tiêu về Phụ nữ và Trẻ em (MICS). Tuy nhiên, cả ba cuộc điều tra này đều không tập trung vào SKSS & SKTD thanh niên/vị thành niên. Một số nghiên cứu khác trên quy mô nhỏ về SKSS & SKTD của thanh thiếu niên đã được thực hiện tuy nhiên kết quả của những nghiên cứu này không mang tính đại diện toàn quốc.
Việc thiếu thông tin và dữ liệu tin cậy về thanh thiếu niên đã hạn chế việc thiết kế và thực hiện các chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng về phát triển thanh niên Việt Nam nói chung và SKSS & SKTD thanh niên/vị thành niên nói riêng. Chính vì vậy, cần thực hiện một nghiên cứu mang tính đại diện quốc gia để cung cấp các bằng chứng tin cậy về kiến thức, thái độ và thực hành về về kiến thức, thái độ và thực hành về SKSS & SKTD VTN/TN và các yếu tố liên quan như nhân khẩu học, xã hội, văn hóa và kinh tế, cũng như thái độ và thực hành của giáo viên, phụ huynh và những người cung cấp dịch vụ y tế.
Viện nghiên cứu Y – Xã hội học phối hợp cùng Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số triển khai điều tra quốc gia về SKSS & SKTD VTN/TN trong độ tuổi 10-24 tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin để xây dựng và triển khai các chính sách và chương trình SKSS & SKTD phù hợp, góp phần nâng cao sức khỏe và sự phát triển toàn diện của thanh thiếu niên Việt Nam.
Mục tiêu
Điều tra quốc gia nhằm thu thập các thông tin về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên/thanh niên độ tuổi từ 10-24 tuổi trên tại Việt Nam.
Các mục tiêu cụ thể của nghiên cứu nhằm thu thập thông tin từ vị thành niên và thanh niên bao gồm:
- Đặc điểm xã hội nhân khẩu học;
- Kiến thức và thái độ về SKSS & SKTD;
- Kiến thức và thái độ về HIV/AIDS và các nhiễm khuẩn đường sinh sản;
- Hành vi tình dục;
- Trải nghiệm mang thai, phá thai và sinh con
- Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng;
- Hành vi tìm kiếm, khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin và dịch vụ về SKSS & SKTD;
- Bạo lực giới;
- Cảm nhận về sự hỗ trợ cha mẹ và thầy cô giáo về thông tin và dịch vụ SKSS & SKTD.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang với phương pháp chọn mẫu phân tầng qua 4 giai đoạn: 1) Chọn tỉnh thành, 2) Chọn quận, huyện, 3) Chọn xã/phường ở các quận, huyện được chọn, và 4) Chọn thanh thiếu niên. Cỡ mẫu nghiên cứu bao gồm 9600 thanh thiếu niên độ tuổi 10-24 tuổi. Thông tin chủ yếu được thu thập qua phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi có cấu trúc. Ngoài ra còn có bộ câu hỏi tự điền được sử dụng cho các câu hỏi nhạy cảm.
Thời gian và địa điểm
Nghiên cứu được thực hiện năm 2016 tại 8 tỉnh/thành phố, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tài trợ và đối tác
Nghiên cứu được tiến hành với sự tài trợ của Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học và Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số thực hiện năm 2016 với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước và quốc tế trong các giai đoạn thiết kế, triển khai, phân tích dữ liệu và viết báo cáo.
Một số hình ảnh thực địa nghiên cứu: