Dự án “Xây dựng và thử nghiệm tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam”
Khái quát
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Đẩy mạnh việc cai thuốc lá sẽ là chìa khóa để đảo ngược xu hướng toàn cầu hiện nay về tử vong liên quan đến thuốc lá trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các can thiệp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả ở các nước có thu nhập trung bình thấp (LMICs), trong đó có Việt Nam. Để tăng tỷ lệ cai thuốc, các sáng kiến can thiệp phải dễ dàng tiếp cận, thích nghi với bối cảnh và văn hóa địa phương, và có thể tiếp cận được với số lượng lớn người hút thuốc lá. Công nghệ di động chi phí thấp sử dụng tin nhắn văn bản hoặc hệ thống tin nhắn ngắn (SMS) để cung cấp can thiệp về sức khoẻ hành vi đáp ứng được các tiêu chí này và cho thấy cơ hội tiếp cận để chăm sóc sức khỏe cho số lượng lớn những người hút thuốc chưa được tận dụng. Tin nhắn SMS đặc biệt phù hợp để giải quyết các hành vi như hút thuốc. Các can thiệp qua tin nhắn SMS có thể điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và lựa chọn của từng cá nhân và tương tác nhiều hơn với nội dung xoay quanh hành vi. Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng các can thiệp qua tin nhắn SMS, chủ động hỗ trợ người hút thuốc, có thể có hiệu quả hơn so với các ứng dụng cai thuốc lá trên điện thoại thông minh do các ứng dụng này đòi hỏi người hút thuốc phải theo đúng liệu trình chuẩn chứ không điều chỉnh theo cá nhân.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của các can thiệp hỗ trợ cai thuốc lá qua tin nhắn nhưng những nghiên cứu này phần lớn được thực hiện ở các nước phương Tây. Sự tăng trưởng đáng kể của sử dụng điện thoại di động tại LMICs cho thấy cơ hội để mở rộng nghiên cứu này tại LMICs, trong đó có Việt Nam, là nơi tỷ lệ hút thuốc vẫn cao. Tại Việt Nam, có 134 triệu thuê bao di động đang hoạt động, 80% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động và 93% người trưởng thành tại khu vực thành thị có điện thoại di động. Trong năm 2010, 84% thuê bao di động sử dụng tin nhắn SMS.
Cochrane Review năm 2012 nhận thấy các can thiệp hỗ trợ cai hút thuốc qua tin nhắn rất hữu ích và cho kết quả cai thuốc lâu dài, nhưng những nghiên cứu này phần lớn diễn ra ở các nước phương Tây. Theo chúng tôi được biết chỉ có duy nhất một nghiên cứu thí điểm sử dụng tin nhắn văn bản ở một nước có thu thập trung bình thấp và chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam. Hơn nữa, còn thiếu các nghiên cứu kiểm tra phương pháp để điều chỉnh các can thiệp có sử dụng tin nhắn văn hiệu quả cho thích ứng nhằm giải quyết sự khác biệt về văn hoá xã hội, ngôn ngữ, phong cách truyền thông và lựa chọn.
Với sự tài trợ của Viện Ung thư/Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, Viện nghiên cứu y xã hội học phối hợp cùng Đại học New York triển khai dự án “Xây dựng và thử nghiệm tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam”.
Mục tiêu
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển và thử nghiệm tính khả thi và phù hợp của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá/thuốc lào nhằm giúp người hút thuốc cai nghiện thuốc lá/thuốc lào và cải thiện sức khỏe. Các mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Xây dựng thư viện tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá cho người hút thuốc ở Việt Nam
- Đánh giá tính khả thi và khả năng chấp nhận của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá.
- Đánh giá hiệu quả ban đầu của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc đối với việc cai hút thuốc lá.
Thiết kế nghiên cứu
Dự án được thiết kế theo ba giai đoạn theo ba mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng và kiểm tra tính khả thi, khả năng chấp nhận và tác động ban đầu của can thiệp hỗ trợ cai thuốc lá qua tin nhắn văn bản đối với người hút thuốc ở Việt Nam.
Mục tiêu 1
Xây dựng thư viện tin nhắn văn bản để hỗ trợ cai thuốc lá cho người hút thuốc ở Việt Nam. Thông qua các cuộc khảo sát và thảo luận nhóm trọng tâm, chúng tôi sẽ điều chỉnh các tin nhắn cho phù hợp với người hút thuốc tại Việt Nạm dựa trên việc áp dụng lý thuyết và sử dụng các tin nhắn văn bản đã được sử dụng trong các can thiệp trước.
Mục tiêu 2
Đánh giá, tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá trong thực tiễn. Chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm thư viện tin nhắn và quy trình can thiệp với 40 đối tượng nghiên cứu nhằm đánh giá về hệ thống tin nhắn bao gồm nội dung tin nhắn, số lượng tin nhắn, tần suất và thời gian nhắn tin phù hợp theo quan điểm của đối tượng nghiên cứu để có thể điều chỉnh hệ thống tin nhắn dựa trên phản hồi của đối tượng nghiên cứu. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành đánh giá sau thử nghiệm bằng phỏng vấn định tính bán cấu trúc với 10 đối tượng nghiên cứu (ĐTNC) ngẫu nhiên để tìm hiểu sâu hơn về khả năng chấp nhận của can thiệp và đưa ra các đề xuất điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Mục tiêu 3
Đánh giá sơ bộ hiệu quả của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc đối với việc cai hút thuốc lá được xác nhận theo chỉ số sinh hóa (đo nồng độ khí Cac-bon monoxit trong khí thở). Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu thí điểm ngẫu nhiên có đối chứng với hai nhánh (cỡ mẫu n = 100) so sánh giữa can thiệp bằng hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá hai chiều tự động, hệ thống tin nhắn này được phát triển từ Mục tiêu 1 và 2, với nhóm đối chứng chỉ nhận tin nhắn khảo sát. Kết quả chính là tỷ lệ cai hút thuốc lá được xác nhận dựa trên chỉ số sinh hóa tại thời điểm sau khi kết thúc 3 tháng nhận tin nhắn (không hút thuốc lá dù chỉ một hơi trong vòng 7 ngày vừa qua). Các kết quả khác bao gồm giảm sử dụng thuốc lá, dự định bỏ thuốc lá, cai thuốc lá 3 tháng liên tục và sự hài lòng với can thiệp.
Địa điểm và thời gian
Dự án được triển khai tại phường Mễ Trì và phường Tây Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Thời gian triển khai dự án từ tháng 08/2017 - 06/2019
Tài trợ và đối tác
Dự án được tài trợ bởi Viện Ung thư/Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NCI/NIH - 5R21 CA225852)
Đối tác triển khai dự án: Viện nghiên cứu Y – Xã hội học, Trường đại học NewYork (Hoa Kỳ), Trường đại học Y Hà Nội, Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm - Hà Nội.