Hội thảo khu vực của GIZ về "Già hóa dân số và kinh nghiệm các nước" tại Hà Nội
Vào ngày 13/11/2013 tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo khu vực về vấn đề già hóa dân số và kinh nghiệm thích ứng chính sách của các nước. Gần 200 đại biểu đến từ nhiều nước trong mạng lưới toàn cầu của GIZ đã tham dự và chia sẻ thông tin về biến đổi cơ cấu tuổi dân số theo hướng già hóa cũng như sự thay đổi về chính sách ở các nước trong việc thích ứng với xu hướng dân số này, đặc biệt về mặt chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội và phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội. Với tư cách là cố vấn cho Hội thảo, PGS. TS. Giang Thanh Long - chuyên gia nghiên cao cấp của ISMS - đã tham gia phần thảo luận chung tại hội trường cũng như báo cáo tổng quan về chính sách hưu trí của các nước trong khu vực.
Trong phiên họp thứ nhất, PGS. Long đã có thảo luận chung tại hội trường với các đại biểu đến từ Đức, Mỹ và Úc về các vấn đề chính sách liên quan đến già hóa dân số. Với khoảng gần 20 câu hỏi cho 4 diễn giả, nhưng nội dung chính vẫn là các vấn đề có liên quan đến chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, cũng như tận dụng cơ hội dân số 'vàng' ở một số nước. Tham gia thảo luận cùng các diễn giả khác, PGS. Long cho rằng cơ hội dân số không tự đến nhưng sẽ tự đi và chúng ta sẽ mất cơ hội nếu không có phản ứng kịp thời về mặt chính sách. Ông cho rằng, cần nhìn nhận dân số 'vàng' và dân số 'già' trong cả ngắn hạn và dài hạn để có sự tích hợp về mặt chính sách. Ông đưa ra các ví dụ điển hình của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc phát huy yếu tố dân số trong tăng trưởng và chuẩn bị an sinh xã hội cho dân số già, cũng như chỉ ra cơ hội, thách thức cho Việt Nam.
Trong phiên thứ hai, PGS. Long đã có bài trình bày tổng quan về hệ thống hưu trí các nước trong khu vực, cụ thể là ASEAN. Bài trình bày cho thấy rõ, dù có sự khác biệt về điều kiện và trình độ phát triển, nhưng dân số các nước ASEAN đang có những biến chuyển mạnh mẽ về cơ cấu tuổi theo hướng già hóa dân số và vì thế mà thách thức không nhỏ cho hệ thống hưu trí trong việc đảm bảo mức sống cho người về hưu hiện nay và trong tương lai. Với ví dụ cụ thể cho Việt Nam, PGS. Long cho thấy rõ những thuận lợi trong việc cải cách hệ thống hưu trí và chỉ ra những thách thức nếu không có những chính sách kịp thời. Ông cho rằng, không nên coi già hóa dân số là gánh nặng mà gánh nặng thực sự từ già hóa dân số chính là do chúng ta chưa có chính sách phù hợp với xu hướng đó. Ông cũng cảnh báo rằng 'sóng thần' dân số già có thể ập xuống nếu chúng ra chậm trễ xử lý nó.