Huy động sự tham gia của cộng đồng trong phát hiện bệnh nhân lao thông qua việc triển khai chiến lược PAL tại tuyến y tế cơ sở
Giới thiệu về dự án
Năm 2006 – 2007, Chương trình Quốc gia tiến hành trên quy mô toàn quốc về dịch tễ lao và nguy cơ nhiễm lao (VINCOTB), kết quả cho thấy tỷ lệ hiện mắc lao cao gấp 1,6 lần so với ước tính trước đó. Tỷ lệ AFB(+) mới là 114/100,000 dân so với 85/100,000 dân như vẫn được báo cáo. Như vậy tỷ lệ mắc cao gấp rưỡi và tỷ lệ phát hiện sẽ giảm đi gần một nửa so với con số mà Chương trình Phòng chống lao công bố. Hay nói một cách khác là vẫn còn khoảng 40% các trường hợp mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Điều này do nhiều nguyên nhân như phía người dân chưa hiểu biết về bệnh lao, về hệ thống y tế (công lập và ngoài công lập) chưa sẵn sàng để đáp ứng dịch vụ khám chữa lao, về ghi chép sổ sách, báo cáo…
Trong số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế ở nước ta hiện nay, khoảng 30% do những triệu chứng liên quan đến hô hấp. Khoảng 1/100 những bệnh nhân này có thể là mắc lao, số còn lại là các bệnh phổi khác, cấp hoặc mạn tính, nhẹ hoặc nặng, nguy hiểm hoặc không. Tuy nhiên việc chẩn đoán thường ít khi chính xác, nhất là ở cơ sở, bệnh nhân lao thường bị bỏ sót, việc phân biệt giữa các bệnh phổi thường lẫn lộn và đại đa số đã được điều trị bằng kháng sinh. Xác định bệnh và xử lý không đúng đã đưa đến nhiều hậu quả tai hại. Nguồn lây lao không được ngăn chặn, nhiều bệnh nhân mắc bệnh phổi không được quản lý, những tử vong không đáng có đã xảy ra, hiện tượng kháng kháng sinh ngày càng trở nên nguy hiểm...
Với mục tiêu tăng cường khả năng phát hiện bệnh nhân lao tại tuyến cơ sở góp phần tăng tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị của Chương trình phòng chống lao quốc gia trong những năm tới, Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng (CCHD) đã xây dựng dự án “Huy động sự tham gia của cộng đồng trong phát hiện bệnh nhân lao thông qua việc triển khai chiến lược PAL tại tuyến y tế cơ sở’.
Năm 2011, Trung tâm sức khỏe phát triển cộng đồng chính thức là 1 trong 3 đơn vị đồng triển khai “Dự án Quỹ toàn cầu vòng 9 Phòng chống lao Việt Nam giai đoạn 2011-2015” và chịu trách nhiệm triển khai tiểu dự án tại 6 tỉnh (Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đồng Nai) với 3 mục tiêu cụ thể:
- Tăng cường năng lực cho cán bộ y tế tuyến xã (bao gồm cả NVYTTB) và tuyến huyện để triển khai chiến lược PAL.
- Huy động sự tham gia cộng đồng và các cơ quan liên quan để tăng số bệnh nhân khám các bệnh phổi, qua đó phát hiện được nhiều bệnh nhân mắc lao, trong đó có trẻ em.
- Củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở thông qua đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã và công tác chuyển tuyến, thông tin hai chiều giữa huyện và xã.
Giới thiệu về đánh giá giữa kỳ
Theo quy định của Quỹ Toàn cầu, để tiếp tục triển khai từ năm 2013 – 2015, tiểu dự án cần đưa ra các nội dung cụ thể và các phương thức thực hiện mang tính khả thi và sát với thực tế, đó là lý do cần tiến hành đánh giá giữa kỳ. Viện nghiên cứu Y – Xã hội học là đơn vị tư vấn độc lập được lựa chọn để tiến hành đánh giá này. Trên cơ sở các kết luận của đánh giá, Trung tâm Phát triển sức khỏe cộng đồng sẽ tiến hành xây dựng các nội dung triển khai dự án cho giai đoạn tiếp theo.
Mục tiêu
Mục tiêu chung của đánh giá giữa kỳ
Đánh giá bước đầu kết quả hoạt động của tiểu dự án, đưa ra khuyến nghị trọng tâm và định hướng cho giai đoạn 2 của tiểu dự án.
Mục tiêu cụ thể của đánh giá giữa kỳ
- Đánh giá Mô hình quản lý của tiểu dự án tại Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng và 6 tỉnh (khả thi/phù hợp/khó khăn/tồn tại.v.v.);
- Xem xét việc triển khai chiến lược PAL có nằm trong chiến lược của Chương trình Chống lao quốc gia giai đoạn 2011 – 2015;
- Rà soát, đánh giá các kết quả đầu ra của các hoạt động đã thực hiện so với Kế hoạch phê duyệt trong giai đoạn 1. Bước đầu đánh giá về tính khả thi của bộ chỉ số của tiểu dự án, tiên lượng khả năng đạt được các chỉ số này khi kết thúc vào năm 2015;
- Đúc kết các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai giai đoạn 1. Đề xuất các khuyến nghị, định hướng cho giai đoạn 2.
Phương pháp
Đánh giá giữa kỳ kết hợp nghiên cứu tài liệu thứ cấp và khảo sát thực địa. Nghiên cứu tài liệu thứ cấp tập trung vào các văn kiện dự án, các hướng dẫn về quy trình biểu mẫu, báo cáo hoạt động, báo cáo giám sát của tiểu dự án. Khảo sát thực địa gồm có phỏng vấn sâu cán bộ dự án tại các cấp tỉnh, huyện xã. Phỏng vấn người dân và cán bộ y tế tại tuyến xã bằng bộ câu hỏi thiết kế sẵn về các hoạt động của dự án. Địa bàn triển khai đánh giá giữa kỳ là 24 xã thuộc 12 huyện tại 6 tỉnh có dự án triển khai. Thời gian đánh giá giữa kỳ vào trung tuần tháng 7/2012.
Kết quả từ ISMS
Các nghiên cứu viên của ISMS là những người xử lý số liệu, quản lý và phân tích. Kết quả từ đánh giá giữa kỳ sẽ được sử dụng để đánh giá bước đầu về tính khả thi của bộ chỉ số và tiên lượng khả năng đạt được các chỉ số đánh giá dự án vào năm 2015. Những thách thức, bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị cũng được thảo luận trong báo cáo này.
Quá trình phân tích dữ liệu và viết báo cáo cuối cùng đã được hoàn thành. Báo cáo đã được trình cho Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng vào tháng 11/2012.
Tài trợ và đối tác
Nghiên cứu này được tiến hành cho Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng và được tài trợ bởi “Dự án Quỹ toàn cầu vòng 9 Phòng chống lao Việt Nam giai đoạn 2011-2015”.