Triển khai tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại các phòng khám  và điều trị ngoại trú HIV tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới (45%), tỷ lệ này trong nhóm nam giới có H thậm chí còn cao hơn (59%). Tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới là khoảng <2%. Tại Việt Nam có hơn 300.000 người nhiễm HIV/AIDS. Những người có H hút thuốc có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến HIV và không liên quan đến HIV cao hơn so với những người có H không hút thuốc. Mặc dù tỷ lệ hút thuốc trong nhóm người có H cao và hút thuốc lá có những ảnh hưởng bất lợi đối với những người có H, nhưng dịch vụ tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá không có sẵn tại các phòng khám và điều trị ngoại trú HIV (OPC) - cơ sở y tế chăm sóc và điều trị HIV chính cho người có H ở Việt Nam. Việc phát triển và triển khai các biện pháp can thiệp cai thuốc lá hiệu quả là rất quan trọng để nâng cao kết quả điều trị và khả năng sống sót cho những người có H hút thuốc lá.
Mục tiêu dài hạn của dự án là xây dựng, phát triển, và nhân rộng chương trình triển khai tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở chăm sóc và điều trị cho người có H ở Việt Nam và các nước thu nhập trung bình thấp. Mục tiêu của dự án là tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng 3 nhánh để so sánh hiệu quả và chi phí-hiệu quả của ba mô hình can thiệp cai thuốc lá tại các phòng khám và điều trị ngoại trú HIV.
Dự án này dự án đầu tiên triển khai mô hình lồng ghép tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá như một phần của chăm sóc sức khỏe thông thường tại các cơ sở khám và điều trị HIV tại Việt Nam.
Dự án được triển khai bởi Viện nghiên cứu Y – Xã hội học, phối hợp với Trường Đại học New York và các nghiên cứu viên từ Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Cục phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế với tài trợ từ Viện sức khỏe Hoa kỳ. Dự án sẽ được triển khai tại 14 phòng khám và điều trị ngoại trú HIV (OPC) tại Hà Nội năm 2021-2025. 


Mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm:


1)    Phát triển và điều chỉnh mô hình tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá đa thành phần phù hợp bối cảnh văn hóa xã hội của người có H và điều kiện tại các phòng khám và điều trị ngoại trú HIV (OPC).
2)    Triển khai thử nghiệm ngẫu nhiên ba nhánh nhằm so sánh hiệu quả và chi phí-hiệu quả của ba mô hình can thiệp (n=672 người có H tại 14 OPC tại Hà Nội) bao gồm: 1) Mô hình chăm sóc tiêu chuẩn tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá: Hỏi, Hướng, Hỗ trợ (tư vấn ngắn) và giới thiệu tới tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá quốc gia (Quitline), 2) Mô hình chăm sóc tiêu chuẩn +Tư vấn chuyên sâu (sáu buổi tư vấn trực tiếp với các nội dung được điều chỉnh phù hợp với người có H), và 3) Mô hình chăm sóc tiêu chuẩn + Tư vấn chuyên sâu+ liệu pháp thay thế nicotine (4 tuần sử dụng miếng dán nicotine). Kết quả chính là tỷ lệ cai thuốc lá của bệnh nhân trong 7 ngày qua được xác nhận bởi chỉ số sinh hóa (đo CO khí thở) tại thời điểm khảo sát theo dõi sau 6 tháng.
3)    Đánh giá các yếu tố đa cấp độ (ví dụ: môi trường tổ chức, niềm tin của cán bộ y tế) tạo điều kiện hay cản trở việc triển khai và duy trì mô hình mới về tư vấn hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại các phòng khám và điều trị ngoại trú HIV ở Việt Nam.