“Khảo sát nhu cầu thay đồi nghề nghiệp của những người hành nghề mại dâm nam và nữ trên bốn quận huyện TPHCM” trong khuôn khổ dự án: “Tiến lên phía trước”
“Tiến lên phía trước” là một trong những dự án được tài trợ bởi chính phủ Hà Lan thông qua tổ chức SANL (một tổ chức của Hà Lan làm về STI-AIDS) nhằm hỗ trợ các can thiệp với nhóm mại dâm tại các nước đang phát triển. Trong dự án này có bốn nước đang phát triển được chọn đó là: Việt Nam, Macedonia, Uganda, và Ai cập. Tại Việt Nam, Ủy ban phòng chống AIDS thành phố HCM được chọn là đơn vị triển khai dự án phát triển nghề nghiệp cho những người hành nghề mại dâm. Thông qua dự án, Ủy ban phòng chống AIDS thành phố HCM muốn cung cấp các dịch vụ toàn diện hơn cho nam và nữ hành nghề mại dâm để cải thiện vị trí xã hội và điều kiện sống của họ. Bước đầu tiên trong dự án là việc tiến hành đánh giá nhu cầu thay đổi nghề nghiệp của cả nam và nữ mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm của thành phố đó là Quận 1, Quận 4, Quận 10, và Quận Bình Thạnh.
Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu tiến hành với mục đích khảo sát nhu cầu thay đổi nghề nghiệp của những người hành nghề mại dâm nam và nữ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đồng thời đánh giá các mô hình can thiệp hỗ trợ nghề nghiệp (giúp vốn, dạy nghề) hiện đang được triển khai tại địa bàn dự án.
Phương pháp nghiên cứu
Phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm là hai phương pháp chính trong nghiên cứu này. Sau khi xem xét các tài liệu hiện có của dự án liên quan đến nhu cầu thay đổi nghề nghiệp, các nghiên cứu viên cao cấp của ISMS sẽ phát triển công cụ phỏng vấn dựa trên soạn thảo sẵn có của SANL để điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh văn hóa Việt Nam. Đây là bộ công cụ được sử dụng chung cho 4 nước với mục đích so sánh kết quả giữa các nước để có thể điều chỉnh các chương trình can thiệp cho phù hợp với từng quốc gia.
Hoạt động cụ thể
Nhóm nghiên cứu bắt đầu triển khai đánh giá từ ngày 17/5/2010 đến 21/5/2010 tại 4 quận của thành phố Hồ Chí Minh ( Quận 1, Quận 4, Quận 10, và Quận Bình Thạnh).
Trong vòng một tuần làm việc tích cực, nhóm nghiên cứu đã tiến hành 17 phỏng vấn sâu bao gồm 8 nữ hành nghề mại dâm và 9 nam mại dâm tuổi từ 19 đến 42 nhằm tìm hiểu các thông tin liên quan đến hoàn cảnh vào nghề, những trải nghiệm và mong muốn, nhu cầu của bản thân cho cuộc sống hiện tại và sau này.
Nhóm cũng tiến hành 6 phỏng vấn sâu với các cơ sở sản xuất và tổ chức có dự án hướng nghiệp cho những người hành nghề mại dâm có mong muốn chuyển nghề
Ngoài ra có 7 cuộc thảo luận nhóm trọng tâm đã được tiến hành với các đối tượng nghiên cứu. Trong đó, 4 TLN với nhóm mại dâm nữ, 2 TLN với nhóm mại dâm nam, 1 TLN với các đồng đẳng viên của chương trình của UBPC AIDS thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả điều tra
Sau một tuần điều tra đã có 34 phụ nữ và 24 nam giới hành nghề tham gia trả lời phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Toàn bộ các băng ghi âm của nghiên cứu đều được gỡ ra các bản word và coding bằng phần mềm định tính Atlasti 5.2. Kết quả phân tích cho thấy đa số các đối tượng mong muốn được hỗ trợ thay đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội còn kỳ thị như hiện nay, để những người hành nghề có một công việc hòa nhập với cuộc sống vẫn còn là một thách thức. ISMS hi vọng kết quả điều tra sẽ giúp các nhà thực hiện chương trình đưa ra những can thiệp phù hợp để những “nhóm người dễ tổn thương” có một cuộc sống tốt đẹp hơn.