Nghiên cứu "Đánh giá tác động của thông tuyến lên công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và tuyến xã"

Khái quát

Qui định về thông tuyến bảo hiểm ở tuyến huyện được nêu trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 và có hiệu lực vào tháng 1 năm 2016. Trước thời điểm tháng 1 năm 2016, khi người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám chữa bệnh sẽ cần phải đến nơi đăng ký BHYT ban đầu, sau đó nếu cần thiết thì mới được chuyển tuyến. Nếu không có giấy chuyển tuyến, người có thẻ BHYT sẽ phải tự chi trả ở mức cao hơn. Một mặt, Qui định thông tuyến này mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh ở tuyến huyện, đồng thời tạo ra cạnh tranh lớn hơn về chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện huyện và trạm y tế xã trong tỉnh. Mặt khác, Qui định này có thể dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Theo dự kiến Chính phủ sẽ thực hiện thông tuyến BHYT lên tuyến tỉnh từ năm 2021, song cho đến nay tác động của thông tuyến huyện vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện. Theo đề nghị của Bộ Y tế, Dự án Xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả tại Việt Nam (SHIP) phối hợp với Viện Nghiên cứu Y  - Xã hội học triển khai “Khảo sát nhằm đánh giá tác động của thông tuyến huyện tới công tác khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế huyện và xã”. Thông qua Khảo sát này các tác động tích cực và tiêu cực của Qui định thông tuyến huyện được đánh giá nhằm cung cấp các bằng chứng cho việc thực hiện thông tuyến tỉnh trong thời gian tới.

Mục tiêu

Mục tiêu chung của Khảo sát là xác định các tác động tích cực và những khó khăn có thể xảy ra khi tiến hành thực hiện thông tuyến ở cấp tỉnh thông qua đánh giá tác động của việc thực hiện thông tuyến ở cấp huyện từ năm 2016. 

Mục tiêu cụ thể của Khảo sát nhằm đánh giá tác động của Qui định thông tuyến huyện lên: 1) sử dụng dịch vụ y tế của bệnh nhân có thẻ BHYT; 2/ cung cấp dịch vụ y tế ở tuyến huyện và xã; 3/ quản lý quĩ BHYT; từ đó có 4/ các khuyến nghị dựa trên bằng chứng về thực hiện thông tuyến ở cấp tỉnh.

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính kết hợp với phương pháp định lượng. Dữ liệu định tính được thu thập thông qua phỏng vấn sâu với bệnh nhân, cán bộ y tế và cán bộ bảo hiểm xã hội. Dữ liệu định lượng là dữ liệu thứ cấp về tình hình nhân lực, cơ sở vật chất và công tác khám chữa bệnh của các tỉnh được chọn vào nghiên cứu.

Địa điểm và thời gian

Nghiên cứu được triển khai tại 6 tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Kiên Giang, Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 2020


Tài trợ và đối tác
Nghiên cứu được tiến hành với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của dự án SHIP - JICA