Nghiên cứu định lượng về sức khỏe nam giới nghiện chích ma túy tại 7 tỉnh Việt Nam

Hiện nay, có thể nói, tiêm chích ma túy đang là phương thức lây truyền HIV/AIDS chủ yếu tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy trên toàn cầu là 5- 10%, ở một số nước châu Âu và châu Á là trên 70%. Tại Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm HIV qua con đường tiêm chích ma túy cao nhất thế giới. Trong những năm gần đây, tỷ lệ này tăng theo cấp số nhân và theo số liệu giám sát trọng điểm gần đây, tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy là 22,5%; tỷ lệ này cao nhất ở một số tỉnh như Hải Phòng 65,8%, Quảng Ninh là 58,7%.

Để có thêm những số liệu mới và phát hiện mới trong nhóm đối tượng này, Viện nghiên cứu Y xã hội học (ISMS) cùng với Tổ chức Dịch vụ dân số thế giới (PSI) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tìm hiểu kiến thức, thái độ và hành vi liên quan tình trạng sử dụng ma túy, dùng chung bơm kim tiêm, HIV … cũng như sức khỏe nam giơi nói chung diễn ra từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010 tại 7 tỉnh của PEPFAR.
 

Mục tiêu nghiên cứu

  • Xác định tỷ lệ nam giới NCMT thực hiện các hành vi giúp những người không NCMT chuyển sang chích ma túy
  • Xác định các yếu tố quyết định hành vi giúp đỡ nói trên
  • Tìm hiểu các hành vi tình dục (bao gồm việc sử dụng BCS thường xuyên và đúng cách) với bạn tình thường xuyên và PNMD
  • Đo lường tỷ lệ làm xét nghiệm HIV, bao gồm tỷ lệ sử dụng dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện

 
Đối tượng nghiên cứu 

Nam giới
Có tiêm chích ma túy trong một tháng vừa qua
Tuổi: 18 – 40
Sống tại tỉnh tiến hành nghiên cứu trong 6 tháng qua
Thời gian tiêm chích: 3 tháng - 10 năm

 

Địa bàn nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành tại 7 tỉnh PEPFAR với cỡ mẫu hơn 1000 nam giới nghiện chích:

  • Hà Nội
  • Hải Phòng
  • Quảng Ninh
  • Nghệ An
  • Hồ Chí Minh
  •  Cần Thơ
  •  An Giang

Phương pháp nghiên cứu RDS
 
Do nghiên cứu này được tiến hành trên nhóm đối tượng nhạy cảm nên phương pháp nghiên cứu được sử dụng là chọn mẫu dây chuyền có kiểm soát (RDS) - chọn đối tượng nghiên cứu tiếp theo dựa vào sự giới thiệu của đối tượng đã tham gia vào chính nghiên cứu đó. Các bước cơ bản khi áp dụng phương pháp RDS:
 

  • Xác định các đối tượng phỏng vấn đầu tiên (“hạt giống)
  •  Phỏng vấn các “hạt giống”
  •  Đề nghị các "hạt giống" giới thiệu 3 người khác tham gia vào nghiên cứu; những người này phải đạt được các tiêu chuẩn nghiên cứu
  • Sàng lọc những đối tượng được giới thiệu đến để đảm bảo họ đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu
  •  Phỏng vấn những đối tượng đạt tiêu chuẩn
  • Tiếp tục đề nghị các đối tượng đã được phỏng vấn giới thiệu tiếp 3 người nữa để tham gia nghiên cứu
  • Tiếp tục quy trình sàng lọc – phỏng vấn – đề nghị giới thiệu cho đến khi đủ số lượng mẫu cần thiết.
  • Chuỗi tuyển người của RDS phải đảm bảo ít nhất 3 đợt, tiếp theo đến đợt 4, 5 và khi nào đủ mẫu sẽ dừng.

 
Quy trình chuẩn bị và triển khai nghiên cứu.
 
Trước khi tiến hành triển khai nghiên cứu chính thức tại thực địa, ISMS đã tiến hành  nghiên cứu thử nghiệm với cỡ mẫu 100 nam giới nghiện chích tại Hà Nội và Tp HCM. Đây là bước đệm ban đầu cho nghiên cứu chính thức tại 7 tỉnh, ngoài mục đích thử nghiệm bộ câu hỏi, bộ công cụ hỗ trợ phỏng vấn, nghiên cứu thử nghiệm còn giúp đoàn điều tra viên hiểu rõ hơn đặc điểm của nhóm đối tượng để có thể xử lý nhiều tình huống khó diễn ra thực tế tại thực địa. 

Sau thử nghiệm, bộ câu hỏi và bộ công cụ đã được chỉnh sửa, ISMS tiếp tục tiến hành tập huấn chính thức cho điều tra viên tại trường Đại học Y tế công cộng. Sau hai ngày làm việc và học tập tích cực, các ĐTV đã tư tin phỏng vấn đối tượng tại thực địa. 


Tại thực địa, đối tượng nghiên cứu được lựa chọn dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và sàng lọc theo quy trình chặt chẽ có sử dụng phần mềm RDS info. Đây là phần mềm chuyên dụng cho phương pháp chọn mẫu RDS với nhiều ưu điểm đơn giản, dễ sử dụng và chủ yếu chọn lọc đối tượng thông qua mã đo nhân trắc UIC. 


Sau một tháng triển khai thực địa tại 7 tỉnh, các ĐTV của ISMS đã phỏng vấn được hơn 1000 nam giới nghiện chích. Toàn bộ phiếu phỏng vấn thu về đều được làm sạch trước khi nhập liệu 2 lần bằng phần mềm chuyên dụng Epdata. Sau quá trình nhập liệu, số liệu của nghiên cứu đã được ISMS chuyển sang PSI phân tích và xử lý. Kết quả này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chương trình can thiệp của PSI nói riêng cũng như các chương trình dự phòng HIV ở Việt Nam nói chung.