Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: "Hiệu quả bổ sung sữa Canxipro lên mật độ xương đối với phụ nữ Việt Nam bị giảm mật độ xương"

Khái quát

Loãng xương là bệnh rất phổ biến hiện nay ở người cao tuổi trên toàn cầu và ở Việt Nam. Bệnh loãng xương đã và đang trở thành vấn đề cần được quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong cộng đồng nhất là ở người cao tuổi và phụ nữ sau tuổi mãn kinh.

Trong nỗ lực phòng chống bệnh loãng xương, đặc biệt là với phụ nữ, Tháng 5/2014, Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng “Hiệu quả bổ sung sữa Canxipro lên mật độ xương đối với phụ nữ Việt Nam bị giảm mật độ xương”. Việc tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả của sữa CanxiPro tại Việt Nam là cần thiết, nó góp phần làm rõ các vấn đề về loãng xương và đánh giá hiệu quả can thiệp của sữa CanxiPro trên đối tượng cụ thể người Việt Nam, góp phần vào các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân trong những năm tới.

Mục tiêu
Mục tiêu của nghiên cứu

  1. Đánh giá mật độ xương (cột sống thắt lưng và cổ xương đùi) của phụ nữ 50-59 tuổi.
  2.  Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tần suất tiêu thụ thực phẩm giàu canxi của phụ nữ 50-59 tuổi bị giảm mật độ xương.
  3.  Đánh giá hiệu quả can thiệp bằng bổ sung sữa CanxiPro lên mật độ xương của phụ nữ 50-59 tuổi bị giảm mật độ xương.

Đối tượng và Địa bàn nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại địa bàn các xã Nguyễn Úy và Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đối tượng tham gia nghiên cứu là phụ nữ từ 50-59 tuổi.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sàng lọc được tiến hành vào đầu tuần tháng 03/2014 liên tục trong 10 ngày để chọn ra 450 đối tượng phụ nữ 50-59 tuổibị giảm mật độ xương (225 đối tượng cho mỗi nhóm tuổi từ 50-54 và 54-59 tuổi)

Các chỉ tiêu thu thập gồm:

  1.  Tình trạng dinh dưỡng (các chỉ số chiều cao, cân nặng...)
  2. Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA để xác định những đối tượng bị giảm mật độ xương đưa vào can thiệp.

Các đối tượng bị giảm mật độ xương được lựa chọn vào để tham gia vào các thu thập số liệu về khẩu phần, kinh tế xã hội, kiến thức và hành vi dinh dưỡng. Từ đó sẽ chọn lựa 80 đối tượng cho mỗi nhóm tuổi và xếp thành 40 cặp/nhóm tuổi tương đồng về kinh tế xã hội, khẩu phần ăn, học vấn vào để đạt tính cân bằng giữa 2 lô can thiệp và đối chứng.