Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: "Hiệu quả bổ sung sữa chua Probi lên tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và miễn dịch của đối tượng nam giới thường xuyên sử dụng rượu, bia"
Khái quát
Như chúng ta đã biết tác hại của rượu, bia khi sử dụng thường xuyên đã được các nghiên cứu và tài liệu chính thức đưa ra các cảnh báo về sức khỏe, trong đó các ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là hệ thống tiêu hóa và miễn dịch… Trong nỗ lực cải thiện tình trạng sức khỏe người dân, tháng 6 năm 2014, Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng “Hiệu quả của sữa chua Probi lên tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và miễn dịch của đối tượng nam giới thường xuyên sử dụng rượu, bia”.
Đây là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng được thực hiện tại Hà Nam nhằm đánh giá tính hiệu quả của sữa chua lên men sống có bổ sung Lactobasillus lên đối tượng cụ thể là người Việt Nam, góp phần vào các giải pháp dinh dưỡng nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe người dân, đặc biệt là đối tượng nam giới từ 30-49 tuổi có thường xuyên sử dụng rượu, bia.
Đối tượng và địa bàn nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trên đối tượng nam giới thường xuyên sử dụng rượu, bia ở độ tuổi từ 30-49 tuổi.
Mục tiêu
Mục tiêu nghiên cứu
- Đánh giá các chỉ số miễn dịch và tình trạng rối loạn tiêu hóa của các đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia tại Việt Nam
- Đánh giá hiệu quả của Probi lên sự thay đổi chỉ số miễn dịch của đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia sau 1 tháng can thiệp.
- Đánh giá hiệu quả của Probi lên sự cải thiện đối với tình trạng tiêu hóa, tần xuất và thời gian mắc bệnh tiêu chảy và táo bón ở đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia sau 1 tháng can thiệp.
Phương pháp nghiên cứu
Điều tra ban đầu được tiến hành tại Hà Nam liên tục trong 8 ngày với số mẫu được thu thập là 100 đối tượng tuổi từ 30 – 49 tuổi thường xuyên sử dụng rượu, bia. Các đối tượng được phỏng vấn bằng bộ câu hỏi bán cấu trúc với các thông tin về kinh tế - xã hội, khẩu phần ăn... Sau khi phân tích và ghép cặp, 84 đối tượng sẽ được chọn và chia thành 2 nhóm cân đối về tuổi, học vấn, kinh tế, khẩu phần ăn.
Sau đó sẽ thu thập bước 2 các chỉ tiêu của 84 đối tượng này bao gồm:
- Tình trạng miễn dịch (các chỉ số IgA, IL-10)
- Các chỉ số về tình trạng tiêu hóa của đối tượng (mất nước, đi ngoài nhiều, tiêu chảy, khó tiêu…)
Giai đoạn can thiệp được tiến hành liên tục trong vòng 04 tuần và được triển khai dựa trên sự chấp nhận tự nguyện và trong điều kiện tự nhiên của đối tượng.
- Tại nhóm đối chứng: không tiến hành can thiệp, các đối tượng giữ cuộc sống, sinh hoạt bình thường như trước
- Tại nhóm can thiệp: bổ sung thêm sữa chua uống probi 2 chai/ngày (65ml/ ngày) trong 4 tuần liên tục.
Hoạt động giám sát: Cộng tác viên trực tiếp phát sữa cho đối tượng 2 chai/ngày và theo dõi tình hình uống sữa của đối tượng, ghi chép vào sổ tay dành cho cộng tác viên: số lượt uống sữa, các triệu chứng gặp phải... Cán bộ nghiên cứu, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nam cũng thường xuyên theo dõi và kiểm tra việc uống sữa của đối tượng nhằm đảm bảo việc uống sữa diễn ra thường xuyên, đầy đủ.
Điều tra đánh giá sau can thiệp được tiến hành 4 tuần sau can thiệp. Thời gian điều tra dự kiến được tiến hành liên tục trong 3 ngày. Toàn bộ các đối tượng ở các lô can thiệp và lô chứng sẽ tham gia vào điều tra. Các chỉ tiêu được thu thập và phương pháp thu thập số liệu ở điều tra ban đầu và và điều tra đánh giá sau can thiệp là giống nhau.
Kết quả
ISMS tiến hành thu thập số liệu, quản lý và phân tích. Sản phẩm cuối cùng sẽ bao gồm các bộ số liệu với mỗi thành phần, báo cáo cuối cùng và bản tóm tắt các kết quả chính. Dự kiến báo cáo sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 năm 2014.