Sử dụng công cụ truyền thông cho nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm MSM.
Viện nghiên cứu Y xã hội học phối hợp với tổ chức PSI tiến hành 3 khóa tập huấn về VCT/CCU cho đồng đẳng viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh từ 1/7/2010 – 17/7/2010
Mục tiêu của khóa tập huấn
- Đồng đẳng viên nhóm MSM có khả năng sử dụng các công cụ truyền thông thay đổi hành vi để thúc đẩy dịch vụ VCT và sử dụng bao cao su cùng chất bôi trơn trong nhóm MSM.
- Thuyết phục nhóm đồng đẳng viên để thúc đẩy việc mua bao cao su và sử dụng chất bôi trơn trong nhóm MSM.
Số lượng học viên tham gia
- Tại Hà Nội: 23 người từ các tổ chức VINCOMC, LIFE và SHAPC
- Tại Hải Phòng: 11 người từ câu lạc bộ Hoa Biển gồm 1 người từ trung tâm phòng chống HIV/AIDS
- Tại TP Hồ Chí Minh: 12 người từ tổ chức LIFE
Giảng viên
- Phan Thị Thu Hà, Bác sỹ, Tiến sỹ Y tế Công cộng
- Phạm Thị Hoàng Vân, Bác sỹ, Tiến sỹ Y tế Công cộng
- Nguyễn Như Trang, Thạc sỹ xã hội học
- Vũ Ngọc Dũng, Thạc sỹ quản trị kinh doanh.
Nội dung
Trong 2 ngày của mỗi khóa tập huấn, các học viên được điểm lại các kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV và cách bảo vệ. Học viên cũng được thảo luận nhiều và sâu hơn về tính phù hợp của bao cao su và chất bôi trơn. Các công cụ truyền thông như: Chàng Đăng đẹp trai, Quả táo độc, Bộ vét được giới thiệu và thực hành để thúc đẩy việc sử dụng một cách phù hợp bao cao su và chất bôi trơn cho nhóm MSM.
Các học viên đã thảo luận về những khó khăn/thử thách trong việc giới thiệu các MSM mới đến xét nghiệm tại các cơ sở dịch vụ VCT và các giải pháp có thể. Học viên đã được giới thiệu về dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm Chân Trời Mới và được học cách sử dụng bảng lật để hỗ trợ trong việc truyền thông cá nhân để làm xét nghiệm tự nguyện.
Phương pháp
Phương pháp học tích cực như thảo luận nhóm lớn, nhỏ và kết hợp trình bày được áp dụng tại các khóa tập huấn cho các chủ đề liên quan đến kiến thức và những rào cản trong việc sử dụng bao cao su và chất bôi trơn. Phần sử dụng các công cụ truyền thông, học viên được ghép cặp và có thể thành nhóm từ 3-4 người thực hành đóng vai truyền thông trong nhóm nhỏ. Sau khi mỗi học viên đã được thực hành trong nhóm, một số học viên sẽ thực hành trước lớp. Sau đó các học viên đóng vai sẽ nhận được phản hồi và góp ý từ phía giảng viên cũng như những học viên trong lớp để nâng cao hơn kỹ năng của họ. Các học viên tham gia trình diễn cũng đưa ra những ý kiến của mình về những việc cần làm và những đề xuất để cải thiện hơn.