Tính toán chi phí sử dụng sản phẩm F75, F100 và Rutf trong khám, điều trị suy dinh dưỡng nặng và các bệnh lý liên quan cho đối tượng dưới 6 tuổi

 Khái quát

Trong thập kỷ qua, mặc dù Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể, từ 43,3% vào năm 2000 xuống 29,3% vào năm 2010. Nhưng hiện nay Việt Nam vẫn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ SDD thấp còi cao trên toàn cầu: còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi SDD nhẹ cân; khoảng 2,1 triệu trẻ SDD thấp còi; 520 nghìn trẻ SDD gầy còm.

Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Viện Dinh dưỡng Quốc gia (2010) nếu đầu tư các can thiệp dinh dưỡng cơ bản trong cộng đồng có thể giảm đáng kể tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi và mang lại những lợi ích kinh tế  rõ rệt có thể lớn hơn 11-24 lần chi phí đầu tư (từ việc giảm chi phí chữa bệnh, nâng cao tầm vóc, sức khỏe…).
Các sản phẩm dinh dưỡng đặc trị cho trẻ SDD như F75, F100, RUTF là các sản phẩm cần thiết trong điều trị cho trẻ SDD nặng, nhưng các sản phẩm này không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Bên cạnh đó, việc khám, phát hiện và tư vấn dinh dưỡng tại các cơ sở y tế cũng chưa được BHYT thanh toán. Vì vậy mặc dù chi trả tiền viện phí nhưng chi phí ăn uống và sử dụng các sản phẩm đặc trị cho trẻ SDD nặng trong quá trình điều trị đã chiếm một phần không nhỏ trong chi tiêu của các gia đình trẻ. Điều này cho thấy cần phải có một cơ chế đảm bảo từ BHYT đối với các sản phẩm dinh dưỡng điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi bị SDD. Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu này thì cần phải có những bằng chứng, cơ sở khoa học của việc tính toán nhu cầu, chi phí thực tế và khả năng đáp ứng của quỹ BHYT trong việc thực hiện chiến lược chăm sóc sức khỏe trẻ em mà trong đó dinh dưỡng có một vị trí quan trọng.

Mục tiêu nghiên cứu
 Mục tiêu chung

Mục tiêu chung của nghiên cứu này là cung cấp bằng chứng khoa học về chi phí cho khám, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng RUTF, F75, F100 cần thiết trong điều trị SDD nặng có/không kèm các bệnh lý liên quan cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nghiên cứu này cũng sẽ cung cấp các thông tin về chi phí để Vụ BHYT (Bộ Y tế) có thể sử dụng làm cơ sở cho việc xây dựng văn bản pháp luật về ‘Chi trả chi phí khám, tư vấn và chữa bệnh cho trẻ SDD và sản phẩm dinh dưỡng sử dụng trong điều trị SDD cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi từ quỹ BHYT’ trong thời gian tới.

Mục tiêu cụ thể

  •  Mô tả và đánh giá quy trình khám, tư vấn chuyên khoa dinh dưỡng tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
  • Tổng hợp, phân tích các tài liệu nhằm cung cấp bằng chứng khoa học về vai trò và sự cần thiết sử dụng F75, F100 và RUTF trong điều trị SDD cho trẻ dưới 6 tuổi.Ước tính tổng chi phí mà quỹ BHYT phải trả trong một năm khi đưa ba sản phẩm F75, F100 và RUTF vào danh mục mà Quỹ BHYT chi trả cho điều trị nội trú và ngoại trú của trẻ bị SDD thể nặng tại các cơ sở y tế và các trạm y tế xã. Cụ thể, đối với điều trị nội trú, nghiên cứu sẽ: (i) ước tính chi phí trung bình cho một trẻ điều trị phục hồi dinh dưỡng từ thể nặng (w/h<-3SD) trở về bình thường khi sử dụng ba sản phẩm này; và (ii) ước tính chi phí điều trị cho một trẻ bị SDD bị mắc một trong các bệnh liên quan đến dinh dưỡng (như viêm phổi và/hoặctiêu chảy kéo dài) cho đến khi hồi phục. Với điều trị ngoại trú, nghiên cứu sẽ chỉ ước tính chi phí điều trị tại các trạm y tế xã.
  • Dự báo tổng chi phí mà Quỹ BHYT phải trả cho điều trị nội trú và ngoại trú tại các trạm y tế xãcủa trẻ bị SDD nặng trong 5 năm tới đây (giai đoạn 2012-2016) khi ba sản phẩm này được đưa vào danh mục do quỹ BHYT chi trả.
  • Thực hiện tính các chi phí tương tự và dự báo chi phí giai đoạn 2012-2016 cho riêng tỉnh Kon Tum

Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phối hợp việc hồi cứu tài liệu với điều tra định tính, định lượng và phương pháp ước lượng chi phí (costing) cho điều trị SDD. Cụ thể như sau:

  • Hồi cứu tài liệu: Thu thập, rà soát, tổng hợp các tài liệu về các sản phẩm F75, F100 và RUTF. Hồ sơ bệnh án, văn bản, giấy tờ liên quan tới thực trạng, quy định, quy trình khám, điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bảng kiểm kê về các trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc sử dụng cho khám phát hiện, điều trị SDD nặng đơn thuần hoặc kèm theo tiêu chảy và/hoặc viêm đường hô hấp.
  • Điều tra tại thực địa: Phỏng vấn bà mẹ/người chăm sóc của trẻ dưới 6 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng (wh <=-3SD) và phỏng vấn sâu với cán bộ y tế. Nghiên cứu được thực hiện tại các cơ sở y tế của 4 tỉnh/thành phố gồm có Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, KonTum. Thời gian tiến hành vào tháng 3/2012. 

Kết quả nghiên cứu

Báo cáo cuối cùng đã được các cán bộ Viện hoàn thành và trình cho Vụ BHYT vào đầu tháng 12/2012.

Nhà tài trợ và đối tác

Viện nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) triển khai nghiên cứu theo yêu cầu từ phía Vụ Bảo hiểm Y tế. Kinh phí được tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)