Xét nghiệm HIV trước tuần 24 là một phần cơ bản của khám thai định kỳ

“Tôi sẽ nói với bạn bè và người thân của tôi rằng “Xét nghiệm HIV trước tuần 24 là một phần cơ bản của khám thai định kỳ và “Hãy hỏi bác sỹ của bạn để được xét nghiệm HIV đúng lúc”, chị Đỗ Thị Lam xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ với chúng tôi sau khi tham dự sự kiện truyền thông. Chị cũng chia sẻ tiếp “tôi đã có thai được 6 tuần và sẽ đi xét nghiệm trong lần khám thai tới”.
(Tên nhân vật đã thay đổi)

 

Xét nghiệm HIV trước tuần 24 là một phần cơ bản của khám thai định kỳ

Người tham dự hào hứng với phần trò chơi giao lưu

Không riêng chị Lam, hầu hết các phụ nữ mang thai sau khi tham dự buổi truyền thông đều hiểu rằng xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai là một xét nghiệm thông thường của khám thai định kỳ và cần làm trước tuần 24 của thai kỳ và đó là một việc làm cần thiết để đảm bảo cho sức khỏe của bé yêu. Chị Nguyễn Thị Vân  Anh xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái chia sẻ “Trước đây tôi nghĩ rằng nếu một người mẹ bị nhiễm HIV thì không thể sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV. Nhưng sau khi tham dự buổi truyền thông tôi thấy ý nghĩ đó của mình không còn đúng nữa. Để làm được điều đó chúng ta cần phải làm là đi xét nghiệm HIV sớm để chủ động có những can thiệp kịp thời và đúng cách nếu không may bị nhiễm”. 
(Tên nhân vật đã thay đổi)
 
Tổ chức sự kiện truyền thông cho các phụ nữ mang thai tại cộng đồng nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ mang thai sử dụng các dịch vụ về Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là xét nghiệm HIV là sáng kiến của Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế tại Việt Nam (PSI) khi triển khai hợp phần Truyền thông tại các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Nam Định và Bắc Giang với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Nghiên Cứu Y Xã Hội Học (ISMS).


Theo hợp đồng Hợp tác giữa PSI và ISMS, trong năm 2011 ISMS sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác của PSI tại 4 tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Yên Bái và Điện Biên tổ chức 44 sự kiện truyền thông tại 22 huyện của 4 tỉnh trên. Theo đó, ISMS sẽ xây dựng và thiết kế kịch bản của một sự kiện bao gồm: tài liệu trình bầy trên PowerPoint, trò chơi tương tác với người tham dự, bộ câu hỏi trắc nghiệm trước và sau sự kiện và hướng dẫn kỹ thuật cho ban tổ chức để tổ chức 44 sự kiện tại 22 huyện thuộc 4 tỉnh trên. Trước mỗi sự kiện, các chuyên gia của ISMS đều có một buổi tập huấn kỹ thuật cho ban tổ chức bao gồm: giới thiệu về ý nghĩa của sự kiện, quy trình tổ chức sự kiện, các kỹ năng truyền thông cần thiết và sau đó yêu cầu người tổ chức thực hành thử để góp ý và bổ sung. Bên cạnh đó, trong mỗi sự kiện, các chuyên gia của ISMS đều tiến hành làm cùng với người tổ chức để đào tạo họ theo cách “cầm tay chỉ việc”. Sau mỗi sự kiện, các chuyên gia tiến hành cuộc họp nhóm với ban tổ chức để rút kinh nghiệm và đóng góp ý kiến cho việc tổ chức các sự kiện tiếp theo.


Theo lịch trình, 44 sự kiện tại 22 huyện của 4 tỉnh sẽ được tiến hành theo 3 thời điểm. Thời điểm tháng 1/ 2011 sẽ tiến hành tại Yên Bái và Điện Biên. Tháng 2 sẽ tiến hành tại Bắc Giang và Nam Định. Tháng 3 sẽ tiến hành đồng loạt tại 4 tỉnh trên.


Sau thành công tại Yên Bái, Mr. Nguyễn Thành Cường, quản lý chương trình của PSI, đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp, nhiệt tình và nghiêm túc của các chuyên gia từ ISMS và cũng bầy tỏ tiếp tục hợp tác với ISMS tổ chức 2 khóa hội thảo cho các đối tác của 4 tỉnh trên tại Hà Nội trong tháng 4 ngay sau khi kết thúc 44 sự kiện.