Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá”

Với khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành hút thuốc lá, Việt Nam là nước có số hút thuốc cao thứ hai tại Đông Nam Á. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc giảm số người tử vong do hút thuốc lá sẽ đạt được thông qua việc hỗ trợ người hút thuốc lá bỏ thuốc. Tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá bởi nhân viên y tế, áp dụng công nghệ di động trong y tế (mhealth) hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc được chứng minh có hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ cai thuốc lá.  Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học (ISMS) và Trường Đại học New York triển khai hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá”. Chủ trì và khai mạc hội thảo là PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá”PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, Cục Quản lý khám chữa bệnh phát biểu khai mạc hội thảo


Tại hội thảo, đạị diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã chia sẻ tổng quan về các hoạt động cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam. Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã trình bày về các chương trình, sáng kiến áp dụng công nghệ di động trong y tế (mhealth) để cải thiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong hỗ trợ cai thuốc lá,  mhealth cũng đã được triển khai và chứng minh có hiệu quả trong việc tăng tỉ lệ cai thuốc tại nhiều quốc gia. Tiếp đó, GS. TS. Donna Shelley, Trường Y tế công cộng toàn cầu – Đại học NewYork cũng đã chia sẻ kết quả đánh giá tính bền vững của dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã”. Dự án đã được Viện nghiên cứu Y- Xã hội học (ISMS), Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Đại học New York và Trung tâm y tế thị xã Phổ Yên, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ triển khai từ năm 2014 đến năm 2019 trên 26 xã/phường – với mục đích thí điểm mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở. Kết quả triển khai dự án cho thấy tỷ lệ cán bộ y tế tư vấn ngắn hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc tại trạm y tế tăng từ 1,2% lên 51,6%. Kết quả đánh giá tính bền vững của dự án cho thấy hơn 37% cán bộ y tế duy trì việc tư vấn hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc tại trạm y tế xã tại thời điểm 24 tháng sau can thiệp. Tỉ lệ cai thuốc thành công trong số những bệnh nhân đã cai thuốc là 74,1% ở nhóm nhận tư vấn từ cán bộ y tế và 88,9% ở nhóm nhận tư vấn từ y tế thôn bản.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá”GS. TS. Donna Shelley, Trường Y tế công cộng toàn cầu – Đại học NewYork cũng đã chia sẻ kết quả đánh giá tính bền vững của dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã”. 

Tại hội thảo, TS. BS. Nguyễn Trương Nam - Viện trưởng, Viện nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) trình bày hoạt động và kết quả của dự án “Xây dựng và thử nghiệm tính phù hợp và khả thi của hệ thống tin nhắn hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam”. Đây là dự án được Viện nghiên cứu Y  - Xã hội học, Trường đại học New York – Mỹ, Đại học Y Hà Nội, Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm phối hợp triển khai tại phường Mễ Trì và phường Tây Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội từ 08/2017 - 06/2019. Mục tiêu của dự án nhằm thử nghiệm tính khả thi của hoạt động hỗ trợ cai thuốc lá qua tin nhắn điện thoại. Tin nhắn được gửi cho người cai thuốc trong vòng 6 tuần (2-3 tin/ngày). Kết quả cho thấy, 98% người tham gia thấy hài lòng/rất hài lòng; 96% thấy chương trình dễ sử dụng; 94% trả lời rằng tin nhắn giúp họ cai thuốc; 96% mong muốn sử dụng chương trình tin nhắn.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá”TS. BS. Nguyễn Trương Nam - Viện trưởng, Viện nghiên cứu Y – Xã hội học trình bày hoạt động và kết quả triển khai dự án

Trong hội thảo, Ths.Bs. Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai trình bày về dự án “Triển khai tổng đài tư vấn hỗ trợ cai thuốc lá tại Việt Nam”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá với các nhóm hoạt động chủ yếu gồm: Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại về chẩn đoán và điều trị cai nghiện thuốc lá; Triển khai các nghiên cứu liên quan đến cai nghiện thuốc lá. Tư vấn cai nghiện thuốc lá qua tổng đài 1800-6606 và tư vấn trực tiếp tại Bệnh viện.


Hội thảo còn có phần trình bày của TS. Nguyễn Kiều Cương về dự án “Ứng dụng hệ thống tin nhắn (mHealth) thúc đẩy sử dụng tổng đài tư vấn cai thuốc lá và cai thuốc lá do Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) phối hợp cùng trường đại học Massachuset triển khai với tài trợ của Viện sức khỏe Hoa Kỳ. Mục tiêu của Dự án nhằm Tăng cường sử dụng tổng đài tư vấn cai thuốc lá tại bệnh viện Bạch Mai, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn và liệu pháp thay thế nicotine .


Cũng liên quan đến sử dụng tin nhắn điện thoại hỗ trợ cai thuốc lá, PGS.TS. Hoàng Văn Minh, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Y tế công cộng (HUPH) đã có phần trình bày về dự án “Triển khai và đánh giá chương trình can thiệp sử dụng tin nhắn điện thoại hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại Trung Quốc và Việt Nam”. Dự án được triển khai bởi Trường Đại học Y tế công cộng  và Trường Đại học Bang Georgia, nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống tin nhắn điện thoại di động (mHealth) hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và đánh giá hiệu quả của hệ thống tin nhắn tại một địa bàn nông thôn Việt Nam. Ngoài phần trình bày về từng dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam, hội thảo còn có phần trình bày “Tổng quan về ứng dụng công nghệ y tế di động (mHealth) trong cai nghiện thuốc lá tại Mỹ và trên thế giới” của GS. TS. Lorien Abroms, Trường Y tế công cộng Milken -  Đại học George Washington nhằm đưa ra và xem xét các bằng chứng về hiệu quả của việc ứng dụng mHealth trong cai nghiện thuốc lá đã và đang triển khai tại các nước trên thế giới.
Sau các phần báo cáo, Hội thảo tập trung trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả của công tác cai nghiện thuốc lá thông qua các biện pháp ứng dụng công nghệ, biện pháp tăng cường trao đỏi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong nước và quốc tế để hoạt động cai nghiện thuốc lá đạt hiệu quả tốt nhất.